THƯ MỜI VIẾT BÀI THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ 2024

THƯ MỜI VIẾT BÀI THAM DỰ

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ THƯỜNG NIÊN 2024

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP ĐƯƠNG ĐẠI

Kính gửi: Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu liên quan.

Sau ba cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) trong lịch sử, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là một dấu mốc trong cả lịch sử loài người. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình một tương lai táo bạo và đầy triển vọng, với sự lan tỏa của công nghệ số và sự hội nhập của các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Với tốc độ phát triển chưa từng có, cuộc cách mạng này đang có tác động to lớn lên mọi khía cạnh của cuộc sống.

Vì vậy, với mục đích tạo một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu liên quan trao đổi học thuật và chia sẽ kinh nghiệp về các vấn đề đương đại của cuộc cách mạng công nghiệp ngày nay, Viện Triết Học Phát Triển, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên về những vấn đề của Cách mạng công nghiệp đương đại, vào tháng ba hằng năm (ngày 28 đến ngày 30 tháng ba). Tham luận tập trung (nhưng không giới hạn)  vào các vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (như Lý thuyết tính toán về tâm trí, lý thuyết về máy tính và trí thông minh, nguy cơ tồn tại từ trí thông minh nhân tạo tiên tiến, triết học về trí thông minh nhân tạo, triết học về công nghệ thông tin, triết học tâm trí, lý thuyết về trí tuệ tổng hợp, luật học về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống và khoa học xã hội, luật và vấn đề bảo mật của công nghệ mới, chuyển đổi số , học trong công nghệ số và các phương pháp học tập mới, vấn đề xã hội của công nghệ mới,tiếp thị số với công nghệ mới, chính sách và pháp luật trong kỷ nguyên số, các vấn đề kinh tế số…và các vấn đề khác liên quan đến chủ đề trên). 

 

Tham luận được trình bày bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt (Quy định về tham luận xin xem Mục HƯỚNG DẪN VIẾT BÀI trên website). Thông tin chi tiết vui lòng xem tại website: https://iccir.idp-vn.org. Toàn văn tham luận xin gửi về Hội thảo ICCIR (email: submissionICCIR@idp-vn.org) trước ngày 01 tháng 09 hằng năm. Tham luận không được quá 10.000 chữ đối với tiếng Anh hoặc 12.000 chữ đối với tiếng Việt, không bao gồm tài liệu tham khảo. Tham luận được viết theo quy cách "tham luận khoa học" với đầy đủ các thành phần: tên tham luận, tóm tắt tham luận (500 từ đối với tiếng Việt hoặc 300 từ đối với tiếng Anh), nội dung chính và tài liệu tham khảo. Hội thảo sử dụng định dạng Springer, tuy nhiên, nếu các tác giả không thông thuộc định dạng này, có thể gửi định dạng nháp đơn giản sau đây: cỡ chữ 13 giãn dòng Single, sử dụng font chữ Times New Roman; căn lề: trên 2 cm, dưới 2 cm, phải 2 cm, trái 3 cm; bảng và hình phải có chú thích; các đề mục có cùng cỡ chữ với nội dung; đề mục cấp 1 in đậm, đề mục cấp 2 in đậm và nghiêng, đề mục cấp 3 in nghiêng. Tham luận khi xuất bản sẽ được chỉnh về định dạng Springer. 

Quy chế bình duyệt và trình tự bình duyệt tuân theo quy định của hội thảo: quy chế phản biện kép (double-review) và phản biện kín (blind-review), (Quy định về Bình duyệt xin xem Mục QUY CHẾ BÌNH DUYỆT trên website). Đối với các tác giả không thông thuộc tiếng Anh có thể nộp bài tiếng Việt, và có thể được hội thảo hỗ trợ chuyển ngữ thành tiếng Anh, nếu Hội đồng phản biện chấp nhận chất lượng nội dung. Đối với các tác giả đang là học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, sẽ được hội thảo hỗ trợ tư vấn hoàn chỉnh tham luận, nếu Hội đồng phản biện chấp nhận chất lượng nội dung. Các tham luận sau chuyển ngữ và sau khi được hỗ trợ tư vấn hoàn chỉnh sẽ được đăng ký như quy trình thông thường (Quy định về hỗ trợ hoàn chỉnh tham luận xin xem Mục HỖ TRỢ TÁC GIẢ trên website). 

Hội thảo được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng ba, nhằm ngày 28 đến ngày 30 tháng 3 hằng năm, tại cơ sở của Viện Triết Học Phát Triển. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến (miễn phí) và trực tiếp (có thu phí) tại Hội thảo. Khách mời, đại biểu và một số tác giả được chọn trình bày trong phiên trực tiếp được miễn phí tham dự (sẽ thông báo kèm trong giấy mời). Phí tham dự trực tiếp cho tác giả/nhóm tác giả khác, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến trao đổi là 2.500.000 vnd, bao gồm chi phí ăn uống và tham quan. Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các tác giả tham luận có thể tham dự trực tuyến miễn phí theo đăng ký trước, chi tiết tham dự sẽ thông báo trong thư email (Quy định về chi phí tham dự hội thảo xin xem Mục THAM DỰ HỘI THẢO trên website). 

Phí đăng bài là miễn phí đối với các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các giáo sư và phó giáo sư các trường đại học, các tác giả có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực, và bài tham luận được Hội đồng phản biện đáng giá cao (vui lòng gửi kèm CV hoặc giới thiệu khoa học). Đối với các bài tham luận được Hội đồng phản biện yêu cầu chỉnh sửa trước khi đăng, sẽ thu phí 1.000.000 vnd tiền bình duyệt (chỉ nộp khi bài tham luận sau chỉnh sửa được Hội đồng phản biện chấp nhận). Đối với các tác giả gửi bài tiếng Việt và các tác giả đang là học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, có bài tham luận có nội dung chất lượng nhưng chưa có kinh nghiệm thực hiện định dạng tham luận, hội thảo sẽ hỗ trợ một phần chi phí chuyển ngữ và hỗ trợ tư vấn hoàn chỉnh định dạng tham luận khi có yêu cầu (Quy định về phí đăng bài xin xem Mục CHI PHÍ ĐĂNG BÀI trên website).

Tất cả tác giả/nhóm tác giả có bài tham luận được chấp nhận đăng đều được nhận Thư mời tham dự, Giấy chứng nhận tham dự (cả trực tuyến lẫn trực tiếp); tất cả tác giả/nhóm tác giả có bài tham luận được báo cáo tham luận tại Hội thảo đều được cấp Giấy chứng nhận trình bày tham luận tại hội thảo từ Ban tổ chức. 

Tất cả tham luận đều được đăng trên Kỷ yếu của Hội thảo có chỉ số ISBN, tức Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế (Proceedings of International Conference on Contemporary Industrial Revolution (ICCIR)). Các tham luận gửi tham dự được Hội đồng khoa học phản biện đánh giá đạt chất lượng tốt sau khi chỉnh sửa sẽ được công bố trong Chuyên khảo của Viện Triết Học Phát Triển, có chỉ số ISBN riêng, tức Các Chuyên khảo Quốc tế (Special Issue on XXX) với các mã số ISBN quốc tế (Quy định về kết quả hội thảo xin xem Mục ẤN PHẨM HỘI THẢO trên website). Cuối cùng, tất cả tóm tắt tham luận sẽ được đăng trong một Bản tin Chuyên đề Trực tuyến (Online Lecture Notes of Contemporary Industrial Revolution) với mã số ISBN quốc tế. Ngoài ra, những tham luận có chất lượng cao được BTC giúp gửi đăng ở một số tạp chí quốc tế có ISSN tuỳ thuộc vào chủ đề tham luận, sẽ được bàn riêng sau khi kết thúc hội thảo. 

Đối với các tác giả không gửi tham luận, chỉ muốn chia sẻ ý tưởng, trình bày Keynote Talks cho hội thảo, miễn phí hoàn toàn đối với các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các giáo sư và phó giáo sư các trường đại học, các tác giả có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực. Đối với các tác giả doanh nghiệp, tác giả tự do muốn chia sẻ ý tưởng, giới thiệu dự án, giới thiệu doanh nghiệp, mong muốn trình bày ý tưởng Experts Talks cho hội thảo, hội thảo thu phí 1.000.000 vnd cho mỗi phần trình bày (20 phút/bài).

Mọi chi tiết trao đổi xin liên hệ: iccir@idp-vn.org

Kính mong nhận được sự quan tâm, cộng tác và viết bài của Quý nhà nghiên cứu, Quý nhà khoa học.

Thay mặt Ban Tổ Chức Hội Thảo

Trưởng ban

[đã ký]

TS. NGUYỄN HUỲNH THANH

 Tải về file toàn văn tại đây.